Chiến lược quốc phòng Quốc phòng

Chiến lược quốc phòng là chiến lược phòng thủ quốc gia,[4] khác với chiến lược chiến tranh là các chiến lược liên quan tấn công hay phòng thủ trong tình trạng chiến tranh, chiến lược quốc phòng xoay quanh các biện pháp phòng thủ trong thời bình. Một quốc gia xây dựng chiến lược quốc phòng nhằm củng cố khả năng tự vệ và sẵn sàng chiến đấu khi bị tấn công.

Trụ cột của chiến lược quốc phòng là các lực lượng vũ trang.[4] Việc xây dựng chiến lược này vì vậy chú trọng đến khả năng chiến đấu, sức mạnh quân sự của toàn quân. Theo từng bối cảnh chính trị, bao gồm bối cảnh chính trị quốc tế, cũng như các điều kiện phát triển kinh tế mà một quốc gia sẽ ưu tiên nguồn lực cho một quân chủng: không quân, hải quân, lục quân,...hoặc đầu tư toàn diện nếu khả năng kinh tế cho phép. Đồng thời có chương trình mua sắm vũ khí, chế tạo, đầu tư công nghệ quốc phòng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện tự nhiên của quốc gia đó.

Chiến lược quốc phòng dựa trên việc hoạch định chính sách an ninh chung, các biện pháp, các phương hướng hành động cụ thể khi tình huống tấn công giả định có thể xảy ra, chuẩn bị các kịch bản ứng phó, các kịch bản phản công.

Chiến lược quốc phòng hoạch định tập trung vào việc dự trữ nguồn lực chiến lược, phân bố vùng tác chiến, bố trí đơn vị trách nhiệm, diễn tập quân sự, duy trì một chế độ quân dịch có khả năng huy động quân sự nhanh chóng. Một số quốc gia như Hàn Quốc có một chế độ nghĩa vụ quân sự chặt chẽ, yêu cầu mọi thành niên đều phải tham gia quân đội, nhưng một số quốc gia khác hạn chế quân số mặc dù vẫn duy trì hình thức quân sự bán vũ trang.